Skip to main content

Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại tại xã Đại Đồng

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh qua nhiều đường khác nhau (qua đường đường miệng, truyền qua hạt khí dung, truyền qua quá trình khám chữa bệnh, truyền qua tinh dịch, truyền qua côn trùng); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời.

Bệnh dịch tả lợn Châu phi đã và đang diễn biến phức tạp trên địa bàn xã Đại Đồng. Nguy cơ dịch tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân là do virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Thêm vào đó, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, trong khi không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh…

1
Đàn lợn có dấu hiệu của dịch tả lợn châu Phi tại thôn Pò Bó

Hiện nay, tổng số lợn trên địa bàn xã là 1153 con. Ngày 9/5/2023 nhận được thông tin từ một số hộ nuôi lợn trên địa bàn xã thông báo có lợn bị ốm, thú y viên xã đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định lấy mẫu nội tạng lợn của hộ bà Lục Thị Biển, thôn Đại Nam gửi đi xét nghiệm đến ngày 12/5/2023 cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu phi, đến nay đã có 05 thôn xuất hiện lợn chết do DTLCP gồm: Đại Nam, Phiêng Luông, Khắc Đeng, Khòn Cà, Pò Bó. Tính đến ngày 18/5/2023 đã có 56 con lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu phi, trong đó gồm 07 con lợn nái, 49 con lợn thịt.

1
Đồng chí Nông Ngọc Tiến - Phó chủ tịch UBND xã kiểm tra tình hình diễn biến dịch tả lợn châu Phi tại hộ ông Nông Thế Vinh, thôn Khòn Cà
1
Đồng chí Nông Ngọc Tiến - Phó chủ tịch UBND xã kiểm tra tình hình diễn biến dịch tả lợn châu Phi tại hộ ông Lương Văn Phú, thôn Pò Bó

UBND xã đã chỉ đạo thú y viên phối hợp với thôn và các hộ gia đình có lợn chết thực hiện tiêu hủy lợn chết do dịch tả lợn châu phi đúng  theo quy định. Khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Cần áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh thú y để phòng dịch bệnh.

Ông Nguyễn Công Tuấn thôn Phiêng Luông cho hay đàn lợn nhà ông có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn cám, chỉ uống nước, da có biêu hiện lúc trắng lúc hồng, chết rất nhanh, lúc chết các vùng da mỏng như mang tai, bụng, bẹn xuất hiện những nốt xuất huyết màu tím, máu chảy ra các lỗ tự nhiên như mũi và hậu môn. Lần dịch tả này gây thiệt hại lớn đến kinh tế cho gia đình ông. Ông sẽ thực hiện vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao theo hướng dẫn của thú y viên.

Hiện nay chưa có vắc xin điều trị bệnh dịch tả lợn châu Phi, vì vậy để ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn UBND xã khuyến nghị người dân cần thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:

Đối với khu vực chưa có bệnh

Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.

Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh.

Tuân thủ các quy định về quản lý, vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển  buôn bán lợn và các sản phẩm của lợn.

Đối với cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn phải thực hiện lợn đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, nghiêm cấm không được giết mổ lợn khi nghi ngờ lợn có biểu hiện bị bệnh phải dừng ngay việc giết mổ thông tin cho cơ quan chuyên môn biết để kiểm tra xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với khu vực có bệnh xuất hiện

Thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương khi nào phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu.

Tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn lợn xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh theo hướng dẫn của Thú y xã .

Khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp cho từng vùng.

Thời gian tới, UBND xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống theo đúng quy định của Luật thú y và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; đặc biệt phải dừng việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi đã có lợn, sản phẩm lợn được xác định dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nắm được diễn biến tình hình dịch bệnh, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi theo quy định. Thực hiện tốt 5 không (không thả rông lợn, không dấu dịch; không mua, bán, giết thịt, ăn thịt lợn bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh, không rõ nguồn gốc; không vứt xác bừa bãi; không cho lợn ăn thức ăn thừa chưa qua nấu chín); thường xuyên thực hiện vệ sinh, sát trùng bằng thuốc sát trùng dụng cụ chăn nuôi, khu vực xung quanh, nơi có nguy cơ cao; hạn chế khách đi lại, thăm chuồng nuôi để hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm; khi phát hiện những bất thường trong đàn lợn, tuyệt đối không điều trị lợn ốm mà phải báo cáo ngay cho Thú y viên xã; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Phòng nông nghiệp & PTNT để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Luật Thú y./.

                                                                                                           Tin, bài: Lương Thế Hiệp

 

About