Skip to main content

Bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy dịp Tết Nguyên Đán

Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường sản xuất để hoàn thành kế hoạch; nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu tăng cao. Thêm vào đó, đây là thời điểm miền bắc vào mùa hanh khô, độ ẩm trong không khí giảm mạnh, vật liệu khô rất dễ bắt cháy càng làm nguy cơ cháy, nổ tăng cao, dễ xảy ra những vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Dưới đây là 5 cách phòng cháy chữa cháy hiệu quả này sẽ giúp bạn và gia đình có 1 kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán an lành, hạnh phúc, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy nổ có thể xảy ra.

1

Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) cho biết dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội đầu Xuân 2024 có thể diễn ra nhiều hoạt động sinh ra nhiệt độ cao, dễ cháy nổ như nấu nhiều món ăn trong thời gian dài, đốt cúng nhang đèn, giấy tiền vàng mã, nấu bánh chưng xuyên đêm, sử dụng bếp liên tục, các hoạt động sưởi ấm bằng than tại các vùng lạnh, thiết bị điện tử hoạt động quá công suất, nhiều người thân tụ tập ăn uống say xỉn mất kiểm soát,...

Tết đến, xuân về là thời điểm nhạy cảm dễ xảy ra cháy, nổ, nhất là tại các khu dân cư tập trung đông người,...Nhằm giảm thiểu cháy nổ, đảm bảo an toàn dịp Tết, UBND xã Đại Đồng khuyến cáo 5 biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH như sau:

1. Sẵn sàng trang thiết bị chữa cháy, thoát nạn tại chỗ:

Các hộ gia đình cần trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy, cát chữa cháy, thang dây thoát hiểm nhà cao tầng, túi y tế cứu thương, sơ cấp cứu.

2. Cẩn thận với việc đốt nhang đèn, đồ cúng, thiết bị điện:

Mọi người cẩn trọng khi thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm… Trước khi rời khỏi nhà hoặc đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

3. Không dự trữ nguyên vật liệu dễ cháy (xăng dầu) trong nhà

Nhiều gia đình lo sợ Tết không ai bán xăng dầu nên mua nhiều bình xăng dầu dự trữ trong nhà. Việc này rất nguy hiểm vì nguy cơ bùng phát đám cháy lớn rất cao. Xăng dầu là thiết bị dễ cháy nổ, cháy lan mạnh nên tuyệt đối không trữ trong nhà. Đặc biệt, theo ghi nhận thì hầu hết mọi cây xăng đều hoạt động dịp Tết nên không cần dự trữ xăng dầu trong nhà.

4. Cần có ít nhất 1, 2 người tỉnh táo dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sau các cuộc nhậu nhẹt, tiệc tùng:

Sau cuộc nhậu, nhiều nhiều có các bếp than cháy dở, bếp lẩu còn hoạt động, tàn thuốc lá còn cháy đỏ, thiết bị điện tử karaoke còn chưa tắt sau 1 thời gian dài hoạt động,... Tất cả đều có thể phát sinh cháy nổ bất cứ lúc nào.

Hãy có ít nhất 1, 2 người còn tỉnh táo để dọn dẹp "bãi chiến trường" này trước khi quá muộn. Buổi tiệc tàn không ai dọn dẹp có thể gây ra những đám cháy tại nhà, gây thiệt hại lớn về người và của.

5. Báo động mọi người khi có cháy và gọi cho đội chữa cháy chuyên nghiệp 114:

Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh biết; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu (bình chữa cháy xách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…); đồng thời gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (số điện thoại 114)...

1

UBND xã Đại Đồng khuyến cáo Đối với mỗi người dân: Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tự trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện nghiêm các quy định, nội quy an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

                                                                                                                                Ban biên tập

About